Nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP HCM: Sẽ hình thành siêu đô thị hàng đầu ĐNÁ


Cùng với hai tỉnh trên, huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai dự kiến cũng sẽ sáp nhập vào TP HCM.

Nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM: Cơ hội vàng hình thành siêu đô thị hàng đầu ĐNÁ - Ảnh 1.

Theo báo Công Thương, sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về Dự thảo Tờ trình Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Theo đó, căn cứ Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được đề xuất theo hướng sáp nhập toàn bộ tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai vào TP Hồ Chí Minh.

Trong đó, tỉnh Bình Dương hiện có diện tích tự nhiên là 2.694,70 km², dân số khoảng 2.426.561 người. Về tổ chức hành chính, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 91 gồm 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích 1.980,80 km², dân số khoảng 1.148.000 người, với 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện. Hiện toàn tỉnh có 77 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2025, tỉnh sẽ thực hiện việc sắp xếp các đơn vị cấp huyện và cấp xã, trong đó có việc hợp nhất hai huyện Long Điền và Đất Đỏ.

Huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên 376,8 km², dân số khoảng 263.551 người. Huyện hiện có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 11 xã.

Tổng hợp các số liệu trên, sau khi hoàn tất việc sáp nhập tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch vào TP Hồ Chí Minh, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới dự kiến sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 7.149,4 km², tăng khoảng 341% so với diện tích hiện tại của TP Hồ Chí Minh. Quy mô dân số sau sáp nhập đạt khoảng 13.731.151 người, tăng khoảng 137,15%.

Trước vào, vào cuối tháng 3, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh và cơ quan thường trực Tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ thực tiễn của TP Hồ Chí Minh”.

Theo tường thuật của Báo Tuổi Trẻ, tại hội thảo, Thạc sĩ Đỗ Quốc Bình (Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh) cho rằng các chủ trương của Trung ương là khi sáp nhập đảm bảo các đơn vị mới có không gian mở để phát triển kinh tế – xã hội liên thông, tránh cát cứ, ngăn cản sự phát triển.

Ông nêu thêm sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP Hồ Chí Minh là để xây dựng vùng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới, kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Báo Pháp luật TP HCM ngày 1/4 cũng đăng tải bài viết của TS Nguyễn Đình Thái, Chuyên gia quản lý công Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, trong đó nhận định, nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP HCM sẽ tạo ra cơ hội vàng để xây dựng địa phương mới thành siêu đô thị có kinh tế năng động và phát triển nhất cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á.

Trước 1/5, các tỉnh sẽ trình đề án sắp xếp tỉnh

Mới đây, Chính phủ có Nghị quyết số 74 ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sắp xếp cơ quan thuế, kho bạc nhà nước, hải quan… phù hợp việc sáp nhập tỉnh

Theo Kế hoạch thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước 1/5. Trước 30/5, Bộ Nội vụ thẩm định, lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, kế hoạch nêu rõ trước 1/5, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án. Trước 30/5, Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Quốc hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20/6.

Chính phủ quán triệt tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trước ngày 20/9.

Theo yêu cầu của Chính phủ, sau sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6.

Theo Kế hoạch, Chính phủ giao Bộ Nội vụ trước ngày 18/4 chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai đến các bộ, ngành Trung ương và các địa phương ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *