Lỗi vi phạm phổ biến là chạy quá tốc độ, ngoài ra còn có lỗi vi phạm tín hiệu đèn giao thông.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc công bố danh sách 517 chủ xe biển số xe đầu 29 – 30 vi phạm tín hiệu đèn giao thông và chạy quá tốc độ trong tháng 3 năm 2025 trong khu vực. Trong đó, lỗi vi phạm phổ biến là chạy quá tốc độ.













Theo quy định mới ban hành, mức xử phạt đối với hành vi điều khiển ô tô vượt quá tốc độ cho phép cụ thể như sau:
Vượt quá tốc độ từ 5 km/giờ đến dưới 10 km/giờ: bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Vượt quá tốc độ từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ: mức phạt tiền dao động từ 4 đến 6 triệu đồng, đồng thời bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe (GPLX).
Vượt quá tốc độ từ trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ: bị xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng và trừ 4 điểm GPLX.
Trường hợp vượt quá tốc độ trên 35 km/giờ: bị phạt từ 12 đến 14 triệu đồng và bị trừ 6 điểm GPLX.
Trước đây, theo Nghị định 100, người lái ô tô khi vượt quá tốc độ từ 10 km/giờ trở lên sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX trong thời gian từ 1 đến 4 tháng, tùy mức độ vi phạm. Tuy nhiên, với Nghị định 168 hiện hành, thay vì tước bằng lái, người vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt tiền cao hơn và bị trừ điểm trên GPLX.
Ngoài ra, trong trường hợp ô tô chạy quá tốc độ dẫn đến gây tai nạn giao thông, người điều khiển sẽ bị xử phạt từ 20 đến 22 triệu đồng và bị trừ 10 điểm GPLX. Đáng chú ý, hành vi chạy quá tốc độ để đuổi nhau trên đường bộ là trường hợp duy nhất bị tước quyền sử dụng GPLX từ 10 đến 12 tháng, kèm theo mức phạt tiền từ 40 đến 45 triệu đồng.
Không nhận được thông báo phạt nguội thì có được xóa lỗi vi phạm không?
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu để xử phạt một hành vi vi phạm giao thông là 1 năm, tính từ ngày cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt. Để có cơ sở ra quyết định này, lực lượng chức năng cần tiến hành lập biên bản vi phạm. Khi phát hiện hành vi vi phạm thông qua hệ thống camera, cảnh sát giao thông sẽ gửi giấy mời cho chủ phương tiện đến làm việc trước khi lập biên bản.
Trong thực tế, có những trường hợp chủ phương tiện không nhận được giấy mời hay thông báo vi phạm, chỉ biết được lỗi của mình khi thực hiện đăng kiểm hoặc tra cứu trên ứng dụng. Nếu lỗi vi phạm đã vượt quá thời hạn 1 năm, và chủ phương tiện chứng minh được lý do khách quan hoặc bất khả kháng như sai địa chỉ nhận thông báo hoặc sự cố ngoài ý muốn, thì có thể đề nghị cơ quan chức năng xem xét xóa vi phạm (yêu cầu kèm theo đơn trình bày và quá trình xác minh).
Dù vậy, hệ thống sẽ không tự động xóa lỗi nếu người vi phạm chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt. Trong trường hợp cơ quan chức năng đã gửi thông báo trong vòng 1 năm mà chủ phương tiện không đến giải quyết, lỗi vi phạm vẫn được xử lý bình thường khi chủ phương tiện thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, dù thời gian đã kéo dài hơn 1 năm.
Hướng dẫn tra cứu phạt nguội bằng ứng dụng VNeTraffic
Bước 1: Tải ứng dụng VNeTraffic
Truy cập Google Play (dành cho thiết bị Android) hoặc App Store (dành cho iPhone). Tìm kiếm từ khóa “VNeTraffic” và tải ứng dụng từ nhà phát hành chính thức để đảm bảo an toàn thông tin.
Bước 2: Đăng ký tài khoản
Sau khi cài đặt xong, mở ứng dụng và tiến hành đăng ký tài khoản theo các bước sau:
Dùng camera điện thoại quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Hệ thống sẽ tự động nhận diện và điền thông tin cá nhân, người dùng chỉ cần nhập số điện thoại để nhận mã xác thực OTP.
Nhập mã OTP được gửi đến điện thoại.
Thiết lập mật khẩu mới (khuyến nghị chọn mật khẩu vừa bảo mật vừa dễ nhớ).
Xác nhận hoàn tất việc đăng ký tài khoản.
Bước 3: Đăng nhập
Sử dụng số điện thoại và mật khẩu đã đăng ký để đăng nhập vào ứng dụng.
Bước 4: Tra cứu vi phạm
Trên giao diện chính, chọn mục “Tra cứu vi phạm”.
Nhập biển số xe cần kiểm tra để tra cứu tình trạng phạt nguội.
Thùy Linh