Cô gái này hiện đang khá lo lắng vì sợ số vàng bản thân tích góp được là vàng giả…
Nhắc tới chuyện mua vàng trong khoảng thời gian gần đây, nhiều người nghĩ vấn đề chỉ là có tiền để mua hay không mà thôi, chứ mua được rồi thì chẳng còn gì phải lo nữa. Tuy nhiên, câu chuyện lại không đơn giản như thế.
Vàng đã mua rồi, tâm trạng vẫn như “ngồi trên đống lửa” vì sợ vừa mua xong thì giá vàng giảm là thành ra “đu đỉnh”; hoặc một trường hợp khác – ít phổ biến hơn nhưng không phải không có: Mua nhầm vàng giả!
Tâm sự của cô gái trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp đang trong tình cảnh hoang mang như vậy.
Mua vàng ở tiệm vàng nhỏ vì rẻ hơn các nơi khác tầm 300k/chỉ nên giờ lo ngay ngáy
Nguyên văn tâm sự của cô như sau: “3 năm nay em có tích góp được 27 chỉ vàng. Em hay mua vàng ở tiệm vàng nhỏ lẻ gần nhà, tiệm này là mẹ em mua cũng lâu năm rồi và giới thiệu em mua. Thường thì em mua nhẫn trơn 1 chỉ.
Tuy nhiên, các đồng nghiệp ở cơ quan em nói là chỗ em hay mua thì vàng không đảm bảo. Mỗi lần em mua thì người ta đưa em 1 chỉ vàng nhẫn (không đóng vỉ). Giá thì rẻ hơn ở tiệm vàng lớn khác khoảng 300k/chỉ. Mẹ em nói chỗ kia bán mắc hơn là do cái vỉ nên tính thêm tiền, còn vàng thì như nhau. Em cũng đang băn khoăn không biết có nên bán số vàng ở chỗ nhỏ, để mua ở chỗ lớn hơn (có bao bì niêm phong) hay không? Vì cả 2 chiều mua đi và bán lại ở 2 tiệm vàng như vậy thì em bù số tiền cũng khá lớn, bằng cả 3 chỉ vàng hiện tại.
Anh chị cho em lời khuyên với ạ. Em xin cám ơn!”.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm mua vàng tích sản cho cô gái này. Phần lớn mọi người đều cho rằng mua vàng ở tiệm lớn hay tiệm nhỏ không phải là vấn đề, vấn đề là mỗi lần mua có hóa đơn chứng từ đảm bảo chất lượng vàng hay không?
“Thứ nhất, mua vàng ở tiệm vàng nhỏ lẻ đương nhiên là không đảm bảo vì bạn cũng không thể xác định được là cửa hàng có pha thêm hay không. Còn vàng SJC có tem nhãn, quy trình sản xuất được Nhà nước kiểm soát nên đảm bảo, nên bán ở chỗ nào cũng giữ được giá.
Nhưng cái quan trọng hơn là mua vàng ở tiệm đó, họ có xuất hóa đơn cho bạn mỗi lần mua không? Nếu có thì khá yên tâm vì họ làm đúng quy định, còn không xuất hóa đơn chứng từ thì nên xem lại nhé” – Một người cho hay.
“Vàng đóng vỉ để tiện bảo quản với trông cho đẹp thôi, mình nghĩ thế. Chứ nếu đã là vàng thật thì có đóng vỉ hay không cũng như nhau mà. Giờ bạn muốn kiểm tra xem là vàng thật hay vàng giả thì cứ thử mang 1 cái nhẫn 1 chỉ ra tiệm vàng lớn bán xem, kiểu gì người ta cũng kiểm tra chất lượng vàng cho đấy. Thế là yên tâm chứ không nên quy đổi hết sang vàng đóng vỉ làm gì, tốn kém ra” – Một người gợi ý cách “check vàng”.
“Mua ở tiệm nào thì ra đúng tiệm đó bán bạn nhé. Còn vàng 9999 nhẫn trơn thì tiệm nào cũng giống nhau cả thôi, chỉ khác chênh lệch mua và bán nhiều hay ít. Bạn mua ở đó được 3 năm thì chắc tiệm vàng đó cũng có tuổi đời lâu hơn 3 năm rồi, bán vàng giả thì mình đoán cũng không tồn tại được chừng đó” – Một người trấn an.
Lời khuyên cho những người muốn mua vàng hàng tháng
Khi quyết tâm mua vàng hàng tháng để tích lũy tài sản, bạn nên ghi nhớ những lời khuyên và lưu ý dưới đây.
1. Để dành tiền định kỳ: Thiết lập kế hoạch mua vàng định kỳ (hàng tháng, hàng quý) dựa trên khả năng tài chính của bạn và tuân thủ nó để xây dựng tài sản một cách ổn định.
2. Nghiên cứu thị trường: Bạn nên theo dõi biến động giá vàng và hiểu rõ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá, như tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, và nhu cầu thị trường.
3. Chọn loại vàng ít chế tác: Nếu mua vàng tích sản, bạn nên mua vàng miếng, hoặc vàng nhẫn trơn, vàng chưa qua chế tác để đảm bảo vàng không bị mất giá hay bị trừ chi phí khi đem bán. Đồng thời, cũng nên ưu tiên mua vàng của các thương hiệu/tiệm vàng uy tín, lâu đời để tránh trường hợp mua nhầm vàng giả.
4. Đa dạng hóa đầu tư: Bạn không nên đầu tư toàn bộ tiền vào vàng mà nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng cách phân bổ vào các kênh khác như tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán, chứng chỉ quỹ, …
5. Chọn hình thức giữ vàng an toàn: Để đề phòng rủi ro mất mát, bạn nên tìm cách lưu trữ vàng an toàn, có thể là cất trong két sắt hoặc sử dụng dịch vụ lưu ký của ngân hàng.
6. Kiên nhẫn, kỷ luật: Vàng là tài sản trú ẩn an toàn nhưng không luôn mang lại lợi nhuận nhanh chóng, nên cần kiên nhẫn và xem xét đầu tư vàng như một phần của chiến lược đầu tư dài hạn.
7. Thận trọng với rủi ro: Giá vàng có thể biến động mạnh, vì vậy bạn cần cân nhắc rủi ro và không đầu tư quá nhiều vào vàng nếu không chịu được sự biến động của thị trường.
Nhớ rằng việc đầu tư vào vàng nên là một phần trong kế hoạch tài chính tổng thể của bạn và cần được cân nhắc cùng với các mục tiêu tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cá nhân.