1 trường ĐH công lập sắp đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng mở phân hiệu mới gần sân bay Long Thành: Chuyên đào tạo ngành học hiếm, nhiều ngành 16 điểm là đỗ


Trước nhu cầu phát triển ngành hàng không và sự ra đời của sân bay quốc tế Long Thành, ngôi trường này công bố mở phân hiệu mới nhằm cung ứng cho nguồn nhân lực về hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế.

Học viện Hàng không Việt Nam được thành lập vào năm 1978 với tên gọi ban đầu là Trường Hàng không Dân dụng Việt Nam. Trải qua nhiều lần đổi tên, đến năm 2006, trường chính thức mang tên như hiện nay. Là cơ sở giáo dục đại học công lập đầu ngành trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Học viện giữ vai trò then chốt trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành hàng không Việt Nam.

Qua thời gian, Học viện không ngừng được xây dựng và lớn mạnh với đội ngũ giảng viên với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu bao gồm 1 Giáo sư, 5 Phó Giáo sư, 60 Tiến sĩ và nhiều người khác. Trường hiện có 3 cơ sở tại TP. HCM và Khánh Hòa với hơn 10.000 sinh viên, tập trung ở lĩnh vực hàng không, kinh tế, quản lý, kỹ thuật.

Đặc biệt, tại chuỗi Hội thảo “Học viện hàng không Việt Nam: Chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với công nghệ trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và blockchain”, đại diện Học viện Hàng không Việt Nam cho biết nhà trường sẽ mở phân hiệu mới tại khu vực sân bay quốc tế Long Thành. Đây là một bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực hàng không chất lượng cao.

 - Ảnh 1.

Theo PGS.TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện, phân hiệu mới của Học viện Hàng không tại Long Thành dự kiến sẽ có quy mô lớn, chia theo 3 giai đoạn trong 15 năm từ 2026-2040 với tổng ngân sách khoảng 1 tỷ USD (hơn 25.000 tỷ đồng). Theo đó, giai đoạn 1 (2026-2030), xây dựng cơ sở ban đầu, đáp ứng 5.000 sinh viên, giai đoạn 2 (2032-2035) sẽ mở rộng quy mô lên 10.000 sinh viên. Giai đoạn 3 (2036-2040), hoàn thiện toàn bộ phân hiệu.

Phân hiệu sẽ được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng học, phòng thí nghiệm, và mô phỏng tiên tiến đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, sinh viên tại đây sẽ được thực hành trực tiếp tại sân bay Long Thành thông qua sự hợp tác với các đơn vị như Công ty Cảng hàng không Long Thành, Công ty Quản lý hoạt động bay, cùng nhiều doanh nghiệp dịch vụ mặt đất,… Điều này giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn ngay trong quá trình học tập.

Đáng chú ý, đại diện Học viện cũng cho biết sắp tới Học viện Hàng không Việt Nam sẽ đổi tên thành Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Việt Nam nhằm phù hợp với định hướng phát triển, định hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm về các ngành thuộc lĩnh vực hàng không và vũ trụ…

Chương trình đào tạo chất lượng

Học viện Hàng không Việt Nam có môi trường đào tạo chuyên nghiệp và chuyên sâu cho lĩnh vực hàng không. Hiện trường đã mở rộng đào tạo nhiều khối ngành, trong đó có những ngành học hiếm ở Việt Nam: Khoa Điện- Điện tử; Khoa Khai thác hàng không; Khoa Quản trị kinh doanh; Khoa Ngoại ngữ; Khoa Công nghệ thông tin; Khoa kỹ thuật hàng không; Khoa Du lịch & Dịch vụ hàng không; Khoa Kinh tế hàng không; Khoa Xây dựng.

Đặc biệt, để phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, dự kiến năm học 2025-2026, ngôi trường này mở thêm 15 ngành, chuyên ngành mới bao gồm: Kinh doanh số, Thương mại quốc tế, Marketing, Công nghệ phần mềm và trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật, Điện tử ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật, Điện tử viễn thông trí tuệ nhân tạo, Hệ thống kỹ thuật quản lý bay, Quản lý và khai thác bay, Điện tự động cảng hàng không, Kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, Kỹ thuật thiết bị bay không người lái, Thiết bị bay không người lái và Robotics, Ngôn ngữ Anh ứng dụng.

 - Ảnh 2.

Đồng thời, chuyên ngành Quản lý khai thác bay thuộc ngành Quản lý hoạt động bay với chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế được đào tạo song bằng với sự kết hợp giữa Học viện hàng không Việt Nam, Trường Phi công Bay Việt (Vietnam Airlines) và các trường bay đối tác (Cộng hòa Czech, Nam Phi, Mỹ…).

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ được nhận bằng Kỹ sư Quản lý Hoạt động bay, chuyên ngành Quản lý khai thác bay và Bằng phi công thương mại của đối tác nước ngoài (MPL) với đầy đủ các chứng chỉ được Nhà chức trách hàng không Việt Nam và quốc tế công nhận. Sinh viên được đảm bảo việc làm và trở thành phi công của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Đầu vào dễ thở, nhiều cơ hội việc làm khi ra trường

Năm 2024, Học viện Hàng không Việt Nam công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 với điểm tốt nghiệp dao động từ 16 đến 26 điểm. Cụ thể, xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Quản lý hoạt động bay – Chương trình học tiếng anh là ngành có điểm chuẩn cao nhất với 26 điểm.

Có thể thấy, mức điểm chuẩn đầu vào của Học viện Hàng không Việt Nam hiện đang ở mức vừa phải, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bạn trẻ có ước mơ theo đuổi lĩnh vực hàng không dễ dàng tiếp cận và trở thành sinh viên của trường. Tuy nhiên, đối với những ngành “hot” như Quản lý hoạt động bay, mức điểm chuẩn đầu vào thường khá cao. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ năng lực học tập của bản thân để lựa chọn ngành phù hợp, đồng thời có chiến lược ôn luyện hiệu quả nếu muốn chinh phục các ngành top đầu.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Học viện có cơ hội làm việc tại nhiều vị trí khác nhau trong ngành hàng không như điều phối bay, quản lý mặt đất, kỹ thuật hàng không, hay khai thác vận tải hàng không… Họ có thể công tác tại các sân bay, làm việc cho các hãng hàng không khác nhau. Đây là một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thường xuyên tiếp cận với công nghệ tiên tiến, đồng thời mang lại mức thu nhập hấp dẫn cùng cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở cả trong nước và quốc tế.

 (Tổng hợp)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *